Đang truy cập: 8
Trong ngày: 112
Trong tuần: 644
Lượt truy cập: 1939665

Lượt xem: 3398

CÂY SÂM BỐ CHÍNH

Tên khác: Thổ Hào Sâm, Nhân Sâm Phú Yên, Sâm Báo. 

Tên gọi khoa học: Abelmoschus moschatus

Họ: Bông (Malvaceae)

1. Mô tả

Đặc điểm thực vật

- Thân: cây thảo, có chiều cao khoảng 30-50 cm hoặc hơn. Thân cây chủ yếu mọc đứng. Đôi khi nó có thể mọc bám vào các cây khác để phát triển.

- Lá: lá mọc so le, có lông, mép lá khía răng cưa, gốc lá hình trái xoan và cuối phiến lá lại có hình dáng tương tự như mũi tên. Bề mặt lá có nhiều lông.

- Hoa: hoa đơn có 5 cánh, màu hồng phớt vàng hay đỏ. Hoa mọc ở kẽ lá và có đường kính khoảng 8cm. Cuống hoa dài, đầu trên hơi phình ra, bên ngoài phủ lông cứng.

- Quả: hình trứng, một đầu nhọn, chia làm 5 múi, bên ngoài phủ lông. Quả non màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu nâu và nứt ra thành 5 mảnh rõ ràng. 

- Hạt: Trong quả chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu, hình dáng tương đối giống quả thận.

s1

Bộ phận dùng làm thuốc

Rễ cây Sâm Bố Chính có hình dáng bên ngoài giống Nhân Sâm, màu vàng nhạt hoặc trắng. Đường kính trung bình của rễ khoảng từ 1,5 - 2cm.

Rễ cây Sâm Bố Chính là bộ phận được dùng để bào chế thuốc (thuốc thang, thuốc bột, viên hoàn, rượu thuốc, thuốc sắc uống)

s2

2. Phân bố, sinh thái

Sâm Bố Chính là cây bản địa của Việt Nam. Cách đây khoảng 300 năm, thảo dược này đã được tìm thấy ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) theo dạng mọc hoang.

Ngày nay, với nhiều lợi ích được phát hiện, Sâm Bố Chính được trồng rộng rãi để làm thuốc. Trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ,  Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. 

Cây Sâm Bố Chính là cây ưa sáng và ưa ẩm, thích nghi được với nhiều loại đất: đất mùn dưới chân núi, đất pha cát, đất phù sa ven sông, đất đỏ bazan,… Sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm. Sau khi có hoa quả, toàn bộ phần trên mặt đất bị tàn lụi vào mùa đông. Quả khi già tự mở, hạt nảy mầm tự nhiên vào khoảng tháng 3-4 năm sau.

3. Thu hái, Sơ chế, Bảo quản:

Rễ Sâm Bố Chính thường được thu hoạch vào mùa đông. Tùy theo nhu cầu dùng tươi hay khô mà có cách sơ chế khác nhau:

- Sâm tươi: Sau khi đào về, rễ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ hết rể con xung quanh, ngâm với nước vo gạo rồi để qua một đêm. Vớt ra cho ráo nước trước khi đem ngâm với rượu trên 40 độ hoặc sắc uống.

- Sâm khô: Sau bước ngâm nước vo gạo thì thái mỏng hoặc để nguyên cả củ đồ chín. Phơi hoặc sấy khô.

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh để bị ẩm mốc

4. Thành phần hóa học

Trong rễ Sâm Bố Chính chứa khoảng 30 - 45% là chất nhầy và tinh bột (Đỗ Tất Lợi - 1999).

Một báo cáo của PGS TS Trần Công Luận và các cộng sự được thực hiện vào năm 2001 đã ghi nhận thêm rất nhiều thành phần hóa học có trong rễ cây Sâm Bố Chính được trồng tại Bạc Liêu như: Phytosterol, Coumarin, Acid béo, Acid hữu cơ, Đường khử và Hợp chất uronic. Hàm lượng Lipid là 3,96%, chủ yếu là các chất acid myrisric, acid stearic, acid palmitic hay acid oleic,…Hàm lượng Protein là 1,26g %. Hàm lượng Tinh bột là 15,14 %. Hàm lượng Chất nhầy là 18,92 %. Có 11 loại acid amin, 13 nguyên tố: Na, Ca, Mg, Al, Si, Fe, V, Mn, Ti, Mo, Cu, Zr và P.

5. Tính vị, công năng, công dụng

Tính vị: Tính mát, vị ngọt, đắng, hơi nhớt.

Công năng: Sâm Bố Chính có khả năng đi vào các kinh Tỳ, Phế; có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khái, sinh tân dịch.

Công dụng: Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, kém ngủ, đau lưng, chứng ho sốt nóng, táo bón. Có khi được dùng làm thuốc lợi tiểu, điều kinh, bệnh về phổi.

Liều dùng: ngày 16-20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, viên hoàn hoặc ngâm rượu uống.

Kiêng kỵ: thể trạng hư hàn phải tẩm nước gừng, sao kỹ.

6. Cách trồng

          Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt được lấy từ quả chín khô tự mở (cần thu ngay khi quả có màu nâu đen, nếu để chín quá, hạt sẽ rơi rụng hết), hái quả chín đem phơi vào nong, nia, vò lấy hạt.

          Thời vụ gieo trồng tốt nhất vào tháng 2-3.

          Trước khi gieo, nên ngâm hạt vào nước ấm (35-400C) trong 3-4 giờ, vớt ra, để ráo. Cũng có thể ủ cho hạt nứt nanh mới đem gieo. Trồng theo cách gieo thẳng, mỗi hecta cần 8-10kg hạt giống.

          Đất trồng phải làm kỹ, để ải, lên luống trung bình cao 25-30 cm, mặt luống rộng 70-80 cm. Mỗi hecta bón lót 20-25 tấn phân chuồng, 300 kg phân lân, 150 kg phân kali. Rạch ngang mặt luống, sâu 7-10 cm, cách nhau 30-40 cm, trộn phân vào rạch rồi gieo 10-12 hạt. Dùng đất phủ lên hạt dày 2 cm, tưới nước giữ ẩm. Ở nhiệt độ 21-260C, hạt sẽ nảy mầm sau 7-10 ngày.

          Sau khi cây mọc được 2-3 tuần, cần tiến hành tỉa, giặm, định khoảng cách (25-30 cm). Kết hợp làm cỏ, phá váng. Làm xong đến đâu phải chú ý tưới ngay đến đó. Từ tháng thứ hai trở đi, mỗi tháng cần làm cỏ, vun xới một lần kết hợp với bón thúc. Phân bón thúc chủ yếu dùng Sulfat amoni (150-200 kg/ha) hay nước phân chuồng. Khi cây ra hoa, nếu không thu hạt, cần ngắt bỏ nụ hoa để chất dinh dưỡng tập trung nuôi củ.

s3

          Cây thường bị bệnh thối quả, sâu hại có sâu đục quả, sâu xám, rệp hại cây non; phòng trừ bằng cách phun Booc-đô 1%.

          Thu hoạch: Rể củ vào khoảng tháng 12-1. Năng suất trung bình có thể đạt 2-2,5 tấn củ khô/ha.

 7. Thực tế tại địa phương

          Tại tỉnh Quảng Trị, trong những năm gần đây Sâm Bố Chính được trồng ở một số xã thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và đã có thu hoạch đạt sản lượng cao. Mỗi ha có thể thu hoạch đạt khoảng 3 tấn củ tươi. Giá 1 kg củ sâm tươi từ 600.000-700.000 đồng.

s4

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Gio An, huyện Gio Linh hồi tháng 6/2019.

s5

Thu hoạch củ Sâm Bố Chính tại Quảng Trị.

s6

Ông Nguyễn Ngọc Lương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Quảng Trị (trái) thăm mô hình trồng sâm Bố Chính ở chi Hội Tân Trại, xã Hiền Thành.

 s7

Rượu Sâm Bố Chính.

8. Một số bài thuốc chữa bệnh có Sâm Bố Chính

+ Hạ sốt, chữa ra nhiều mồ hôi và hay khát nước

     Thành phần: Sâm Bố Chính  20g, Thục Địa 30g, Quế Nhục  3g

     Sắc uống mỗi ngày 1 tháng

+ Điều trị dự phòng hen suyễn, giảm tần suất lên cơn hen

     Thành phần: Sâm Bố Chính 200g, Trần Bì (vỏ Quýt) 120g, Can Khương (Gừng khô) 120g, Tang Bạch Bì (vỏ rễ cây Dâu tằm) 160g, 4 con Tắc Kè, Mật Ong nguyên chất.

     Tắc Kè làm sạch ruột, băm nhỏ, sao vàng. Tán tất cả thành bột trộn chung với Mật Ong làm hoàn. Mỗi ngày uống 12g.

+ Chữa hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, khó ngủ

     Thành phần: Sâm Bố Chính 20g, Tang Thầm (quả Dâu tằm chín) 12g, Hà Thủ Ô 12g, Hoài Sơn (củ mài) 12g, Long Nhãn 12g, Hạt Sen 12g, Rau Má 12g, Táo Nhân (hạt quả Táo) 8g.

      Sắc lấy nước đặc chia 3 phần uống hết trong ngày. Mỗi ngày 1 thang.

+ Bồi bổ cơ thể, nâng cao chức năng hệ tiêu hóa

     Thành phần: Sâm Bố Chính (nếu tươi dùng 1kg, khô dùng 3kg), 5 lít rượu trắng cao độ.

     Rửa sạch Sâm Bố Chính, cho vào bình thủy tinh có miệng rộng ngâm với rượu trong 30 ngày. Mỗi lần uống 15ml, dùng trong các bữa ăn sáng, trưa, tối.

+ Chữa thiếu máu

     Thành phần: Sâm Bố Chính 100g, Hạt Sen 100g, Cam Thảo 40g, Thảo Quả 12g, Đại Hồi 8g.

     Tán nhỏ làm viên hoàn, ngày uống 20g, chia 2 lần.

+ Chữa mụn nhọt sưng lở

     Thành phần: Sâm Bố Chính 6 -12g

     Đem sắc nước uống hoặc nghiền thành bột mịn pha với nước đun sôi để nguội uống.

     Ngoài ra, còn nhiều bài thuốc khác có Sâm Bố Chính đã được sử dụng.

     Cây Sâm Bố Chính là loại cây dược liệu đã được trồng ở tỉnh Quảng Trị và có thể cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Dược liệu thu hoạch từ cây Sâm Bố Chính được sử dụng trong việc bồi dưỡng cơ thể và chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc tạo ra những dược phẩm nhằm kinh doanh trên thương trường. Nếu đầu tư với quy mô rộng, lớn sẽ cho thu nhập kinh tế không nhỏ. Rất mong người dân Quảng Trị cùng với các ngành nghề liên quan tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trồng, kinh doanh và sử dụng Sâm Bố Chính./.

                                                                                           Trương Long

 

Cập nhật: Hoàng Thị Thanh Hiền

Điện thoại: 0905.437.666

Điện thoại: 0983.533.844

Email: htthienyte@gmail.com

Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ Google
Từ Bạn Bè
Nguồn Khác

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
Địa chỉ: khu phố 3, phường Đông Lương, tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
© Copyright 2015 truongytequangtri.edu.vn, All rights reserved.
® truongytequangtri.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này.