Đang truy cập: 6
Trong ngày: 77
Trong tuần: 459
Lượt truy cập: 1936583

Lượt xem: 3766

CÂY BẠC HÀ

1. Tên gọi khác

Rau thơm, Bạc Hà nam

2. Tên khoa học

- Mentha arvensis Lamiaceae (Bạc Hà Châu Á)

- Mentha piperita Lamiaceae (Bạc Hà Châu Âu)

3. Mô tả cây

- Cây thảo, sống lâu năm. Thân hình vuông, mọc đứng hoặc hơi bò, có phân nhánh, cao 30-40cm, có thể cao hơn, màu xanh lục hoặc tím tía, trên thân có nhiều lông che chở và lông bài tiết.

- Lá mọc đối chéo chữ thập, có lông, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng, mép lá khía răng cưa đều.

- Hoa nhỏ, màu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng hoa hình môi. Phiến tràng chia làm 4 phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong.

 ccv1

cvv2

 Mentha arvensis Lamiaceae (Bạc Hà Châu Á)

cvv3

 Mentha piperita Lamiaceae (Bạc Hà Châu Âu)

 4. Phân bố và sinh thái

- Mọc hoang dại từng đám nhỏ gần bờ suối hay trong thung lũng và được trồng khắp nơi trong nước ta và một số nước trên thế giới.

- Bạc Hà là loại cây ưa ẩm và ưa sáng. Đất trồng cần tơi xốp, nhiều chất mùn, vùng đất không bị ứ nước.

5. Bộ phận dùng

Lá, Toàn cây (trừ rễ)

6. Thành phần hóa học

Thành phần chính trong cây Bạc Hà là Tinh dầu, trong đó hoạt chất chủ yếu là Menthol và Menthone.

7. Tính vị, công năng, qui kinh

Bạc Hà có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phát tán phong nhiệt, hóa đàm, tiêu sưng, chỉ ngứa ngoài da, quy vào kinh Phế, Can.

8. Tác dụng dược lý

8.1. Y học cổ truyền

- Phát tán phong nhiệt, ra mồ hôi, thanh lương giải uất.

- Chủ trị: cảm mạo, sốt nóng, ngạt mũi, nhức đầu, đau họng, rối loạn tiêu hóa, chứng ăn không tiêu.

8.2. Y học hiện đại

          - Tác dụng kháng khuẩn: đối với một số vi khuẩn tả

- Ức chế đau: tinh dầu Bạc Hà và Menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong trường hợp đau dây thần kinh.

- Sát khuẩn mạnh: dùng trong những trường hợp ngứa của một số bệnh ngoài da, bệnh về tai, mũi, họng.

- Ức chế hô hấp, tuần hoàn: đối với trẻ em ít tuổi, tinh dầu Bạc Hà và Menthol bôi vào mũi hoặc cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngưng đập hoàn toàn.

- Tác động đến nhiệt độ cơ thể: Bạc Hà, tinh dầu Bạc Hà hoặc Menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn cản sự lên men bình thường trong ruột.

9. Công dụng, liều dùng và kiêng kỵ

          Công dụng

     - Bạc Hà trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, ho, viêm họng sưng đau, mắt đỏ, ngứa nổi mề đay, bụng đau, đầy trướng, tiêu hóa kém, nôn mửa.

     - Bạc Hà dùng làm cho thuốc thơm dễ uống và chữa đau bụng tiêu chảy.

      - Tinh dầu Bạc Hà và Menthol có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau: khi đau khớp xương, thái dương khi nhức đầu (dạng dầu hoặc cao xoa).

     - Cây khô Bạc Hà được dùng làm thuốc chống co thắt, gây trung tiện, tống hơi trong ruột ra, làm dễ tiêu.

      - Nước hãm lá Bạc Hà dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu.

      - Tinh dầu Bạc Hà đã loại Men thol được dùng làm thơm nước súc miệng, kem đánh răng và các dược phẩm.

          Liều dùng

      - Lá và toàn cây: ngày uống 4-8g dưới dạng thuốc hãm.

      - Tinh dầu Bạc Hà và Menthol: 0,02-0,2ml/1 lần, ngày 3 lần.

     Kiêng kỵ: Người gầy yếu, suy nhược toàn thân, táo bón, huyết áp cao, trẻ em dưới 01 tuổi không nên dùng.

10. Một số bài thuốc

10.1. Chữa cảm mạo, nhức đầu, họng sưng đau do phong nhiệt

Lá Bạc Hà 6g, Kinh Giới 6g, Phòng Phong 5g, Bạch Chỉ 4g, Hành Hoa 6g. Đổ nước sôi vào hãm 20 phút, uống lúc đang nóng.

10.2. Chữa nôn, thông mật, giúp tiêu hóa

Lá Bạc Hà hay toàn cây (trừ rễ) 5g, pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần.

11. Phân biệt

          Cần phân biệt Cây Bạc Hà với Cây Húng Quế (Rau Quế), Cây Húng Chanh (Rau Tần)

cvvv5

Cây Húng Quế (Rau Quế)

cvv5

Cây Húng Chanh (Rau Tần)

12. Kỹ thuật trồng, thu hái, nhân giống

12.1. Đất trồng

Cây Bạc Hà ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, ẩm nhưng thoát nước. Trồng Bạc Hà ở đất phù sa ven sông thường cho năng suất cao hơn.

- Đất rừng tốt nhất là đất mới khai phá, có nhiều mùn và độ ẩm cao. Đất rừng sườn đồi nên san luống có bờ theo bậc thang không dốc quá, tránh mưa trôi phân và xói đất.

- Đất vùng đồng bằng cần luân canh. Nếu đất khô thì cày vỡ rồi bừa luôn để giữ ẩm. Lần sau thì cày bừa rồi lên luống ngay, để phòng mưa ướt đất. Đất cần đập nhỏ, mặt luống phải phẳng để dễ thoát nước, lên luống cao 10-15 cm, rộng 0,9-1 m, rãnh luống rộng 20 cm.  Ở tỉnh Quảng Trị, thời vụ trồng Bạc Hà tốt nhất khoảng tháng 1-2.

12.2. Phân bón

- Lượng phân cần thiết cho 01 hecta đất trồng: 15-20 tấn phân chuồng, phân phải được ủ hoai mục, nhất thiết không được dùng phân tươi, vì phân tươi toả nhiệt làm chết cây. Khoảng 2/3 phân chuồng hoai mục trộn với phân lân dùng để bón lót, còn 1/3 cần ủ thêm cho thật hoai để sau khi thu hoạch lần thứ nhất sẽ bón thêm.

- Phân hoá học chỉ cần ít: 200-300 kg supe phosphat trộn với phân chuồng để bón lót và bón thúc; 200-250 kg phân amon sunfat dùng để tưới thúc. Sau mỗi lứa cắt tưới thúc 2-3 lần. Mỗi lần 15-20 kg/ha pha loãng tưới, tiếp sau tưới nước lã để rửa đạm cho khỏi táp lá. Cần thêm 150kg kali sunfat chia theo tỉ lệ như trên hoà cùng phân đạm tưới thúc.

12.3. Gieo trồng

Sau khi làm đất nhỏ thành luống và bón lót phân như đã nói trên, rạch hàng ngang luống sâu 8-10cm, hàng cách nhau độ 25-30cm, để trồng.

Có thể trồng bằng cành để nguyên không cắt thì rải đều theo rãnh, lấp đất để ngọn thò độ 3 cm và ấn chặt gốc, tưới nước. Hoặc dùng thân có rễ cắt thành đoạn 8-10cm, đặt vào rãnh nối đuôi nhau, lấp đất ấn chặt, tưới ngay nước để nhanh bén rễ.

12.4. Làm cỏ và tưới nước

Ở giai đoạn cây chưa bò lan ra thì dùng cuốc xới phá váng đất. Nhưng sau khi cây bò rộng ra, thân, rễ đã phát triển mạnh thì nhổ cỏ bằng tay và xáo xới ở chỗ đất hở và má luống.

Bạc Hà gặp hạn thì khô cằn, nếu thiếu nước nghiêm trọng thì lá sẽ rụng trụi. Vậy cần phải tưới nước kịp thời. Mùa hè đất quá khô thì nên tưới nước qua các rãnh để ngấm sâu vào  rễ, hoặc bơm nước vào qua một đêm, hôm sau tháo kiệt.

Nếu gặp mưa to cần tháo nước nhanh chóng cho khỏi thối lá.

12.5. Phòng, trừ sâu bệnh

- Khi cây phân cành nhiều, lá che kín đất, thiếu ánh sáng, ở chỗ trũng độ ẩm chênh lệch nhiều với độ ẩm không khí là cơ hội để bệnh gỉ sắt lan nhanh. Dùng dung dịch Bordeaux (Booc-đô) hoặc trộn Diêm sinh với Vôi phun định kỳ 7 ngày 1 lần để hạn chế bệnh.

- Bệnh thối lá dễ phát hiện. Nếu thấy một đám nhỏ bị nhũn tựa như bị đổ nước nóng vào, thì cũng phòng trừ như trên, hoặc nặng thì nhổ bỏ đám cây bị bệnh và rắc Vôi bột vào.

- Vào tháng 2-3, để phòng sâu xám cắn ngang cây khi mầm lá mới mọc: dùng thuốc trừ sâu trộn với đất bột và cỏ non rắc lên trên mặt luống vào chiều tối để đêm sâu ra ăn sẽ chết. Sâu ít thì bắt bằng tay.

- Có loại sâu khoang ăn lá rất hại. Cần xử lý kịp thời, dùng thuốc trừ sâu pha loãng phun vào buổi chiều mát, phun liên tục, cách nhau 3 ngày, vài lần thì hết sâu.

12.6. Thu hái và nhân giống

Sau khi trồng khoảng 4-5 tháng, khi thấy khối lượng thân lá cao nhất, hoa nở rộ thì thu hái lần đầu. Cắt phần thân cành có mang lá là chính, phần còn lại phải cắt bỏ đi để cho mặt luống bằng phẳng, sạch cỏ. Bừa qua để xới sơ đất và vơ sạch cỏ. Bấy giờ lấy số phân còn lại 1/3 đánh tơi rải đều trên mặt luống, lấy đất phủ lên, rồi tưới nước để cây tái sinh.

Sau khoảng 2 tháng thân cành phát triển mạnh, có thể thu hoạch được lần thứ 2; lần thứ 3 thường thu hoạch sau đó khoảng 3 tháng, kỳ này sản lượng giảm sút.

Nhân giống: Nếu vùng đất cao không ngập nước thì chăm sóc cho cây sống qua mùa đông. Sang mùa xuân nhờ có mưa phùn, cây ra nhiều mầm non, đánh đem trồng nơi khác. Nếu trường hợp ở đất trũng, mùa mưa hay bị ngập thì cuốc cây lên chuyển trồng tạm sang nơi khác để lấy giống trồng năm sau.

Cách thu hái: chọn ngày nắng ráo, vào buổi sáng lúc đã ráo sương, dùng liềm cắt phần thân cành có lá, để từng nắm nhỏ nơi râm mát qua một ngày cho héo bớt, đến chiều thu dọn vào nơi chứa. Cắt đến đâu thì cất tinh dầu đến đó. Khi vận chuyển cần tránh làm lá nhàu nát, hao hụt mất tinh dầu. Nếu chưa cất kịp không nên để đống to mà phải phơi rải san ra hóng nơi thoáng gió.

Cây Bạc Hà rất dễ thối mốc, trường hợp thiếu điều kiện cất tinh dầu kịp thời thì phải phơi khô trong râm để cất tinh dầu sau, hoặc dùng vào thuốc thang.

13. Chưng cất tinh dầu

     Sau khi trồng khoảng 4-5 tháng, đến lúc thấy trên ruộng Bạc Hà hoa đã nở 100% số cây và trong mỗi cây hoa nở 50-70% trên cụm hoa (lượng tinh dầu trong cây đạt tỷ lệ cao) là có thể thu hoạch được. Cắt thân phần có mang lá đem về xưởng cất tinh dầu, xếp rải ra trên nền nhà, không xếp đống. Cắt từ lúc 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều là thời gian Bạc Hà có tinh dầu cao nhất, không nên cắt sớm quá và cũng không nên cắt vào lúc chiều tối, vì lúc này có sương xuống làm giảm hàm lượng tinh dầu.

     Cất tinh dầu Bạc Hà bằng phương pháp cất kéo bằng hơi nước, nguyên liệu xếp ở giõ đặt trên nồi nước đáy, mà không nên dùng kiểu nồi luộc trực tiếp, làm giảm hiệu suất và phẩm chất tinh dầu.

     Về cách cất, đợi lúc sôi nước mới cho Bạc Hà vào, đậy kín, thúc lửa to 15-20 phút, sau dầu bắt đầu chảy ra từ ống ruột gà. Hứng dầu bằng bình phân ly sẽ được tinh dầu. Ngoài tinh dầu, bình phân ly còn cho nước cất (gọi là nước thơm). Nước này còn chứa một lượng tinh dầu tan trong nước không nên bỏ đi. Có thể lại dùng nước này cho ngay vào nồi để cất mẻ sau cùng với lá mới, hoặc dùng để chế biến nước súc miệng hoặc làm nước sirô Bạc hà giải khát cũng tốt.

     Cây Bạc Hà là loại rau gia vị thường được người dân Việt Nam dùng ăn sống với một số rau, quả khác hoặc ăn cùng món ăn như bún, phở, cháo, mỳ,...vì có mùi thơm và tác dụng kích thích tiêu hóa. Với dược liệu, Bạc Hà là vị thuốc được dùng phòng và chữa một số bệnh cùng các dạng thuốc khác nhau như đã trình bày. Đây là loại cây có thể trồng: trong chậu, vườn thuốc gia đình nhằm hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe tại nhà, trồng trên đất vườn để cung cấp thực phẩm tại chợ, siêu thị, quầy thuốc đông y,.... Và có thể, trồng với quy mô lớn để chưng cất tinh dầu nhằm góp phần vào nguồn hàng mà một số ngành sản xuất và kinh doanh đang cần./.

                                                                                                                                                                 Trương Long

 

Cập nhật: Hoàng Thị Thanh Hiền

Điện thoại: 0905.437.666

Điện thoại: 0983.533.844

Email: htthienyte@gmail.com

Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ Google
Từ Bạn Bè
Nguồn Khác

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
Địa chỉ: khu phố 3, phường Đông Lương, tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
© Copyright 2015 truongytequangtri.edu.vn, All rights reserved.
® truongytequangtri.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này.