|
Đang truy cập: 28 Trong ngày: 460 Trong tuần: 1193 Lượt truy cập: 2421148 |
CÂY TÍA TÔ
Tía Tô là loại cây cỏ sống hàng năm, được trồng nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị cũng như trong nước. Được dùng làm thực phẩm, gia vị và cũng có nhiều giá trị trong phòng chữa bệnh như: cảm cúm, ho, giảm đau trong bệnh Gout, chống viêm, đầy hơi chướng bụng, giảm cân, đẹp da.
Cây Tía Tô có tên khoa học là Perilla frutescens Lamiaceae.
Mô tả về đặc điểm thực vật
Là loại cây cỏ, cao 0,5-1m, thân thẳng đứng, có thiết diện vuông, toàn thân có lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa, có màu tím hoặc xanh. Hoa tự chùm dài khoảng 6-20 cm, mọc ở kẻ lá hoặc đầu cành, cánh hoa hình môi, màu trắng hoặc tím nhạt. Quả nhỏ, đường kính khoảng 1mm, màu nâu nhạt.
Ở Việt Nam thì chủ yếu phổ biến 2 giống Tía tô: Tía tô màu tím và Tía tô màu lục.
Tại nước Nhật Bản có loại Tía Tô màu đỏ. Loại này có mùi vị thơm đặc trưng, lá màu đỏ rất bắt mắt và tác dụng làm thuốc rất tốt, thường được sử dụng để lấy màu cho các thực phẩm khác. Ngoài ra người Nhật còn dùng Tía tô đỏ để làm nước giải khát có vị chua và ngọt.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Tía tô
- Tô diệp: lá phơi hay sấy khô.
- Tô ngạnh: cành non hoặc cành già đã phơi hoặc sấy khô.
- Tô tử: Quả chín (hạt) đã phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
Toàn cây Tía tô có chứa 0,5% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là Perillaldehyd, Limonen và Dihydrocumin. Lá Tía tô chứa khoảng 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan,… Chiết xuất lá Tía tô đã phát hiện thấy các chất chống ô xi hóa, chống dị ứng, chống viêm.
Công dụng
Cây Tía tô có vị cay ấm, lá có tác dụng chữa cảm cúm, hạ sốt, làm cho ra mồ hôi, giúp tiêu hóa, thải trừ acid uric. Cành có tác dụng an thai. Quả Tía tô chữa ho, trừ đờm, hen suyễn. Lá được làm rau sống, gia vị.
Liều dùng
Lá và hạt dùng 3-10g/ngày, cành dùng 6-20g/ngày, dạng sắc uống.
Một số bài thuốc
1. Chữa đau chướng bụng(do ngộ độc thức ăn):
Lá Tía tô tươi 30-50g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 1 lần sẽ giảm chướng.
2. Giải cảm bằng nồi xông hơi:
Lấy cành, lá Tía tô cùng một số lá có tinh dầu ( Bạc Hà, Chanh, Bưởi,… ) tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi, đắp chăn nằm nghỉ.
3. Cháo giải cảm, chữa ho:
Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá Tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Mỗi lần ăn khoảng 100-150g lá tươi. Bài thuốc này cũng được dùng để chữa ho do cảm cúm.
Có thể kết hợp nồi xông cùng với tô cháo giải cảm. Sau khi xông, nằm nghỉ một lúc, dậy ăn tô cháo giải cảm là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.
4. Chữa bệnh Gout:
Người bị bệnh Gout, ăn thêm Tía tô bằng cách ăn rau sống tốt hơn là nấu chín.
Khi cảm thấy khớp xương có dấu hiệu sắp sưng tấy lên, hãy lấy ngay lá Tía tô nhai và nuốt để chặn cơn đau lại.
Hoặc lấy 6-12g lá Tía tô rồi cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống. Lưu ý: không sắc nước lá Tía tô quá 15 phút sẽ làm mất tinh dầu trong lá.
Có thể sao khô cành mang lá Tía tô, tán thành bột để pha trà uống hàng ngày, hoặc nhào bột với nước nóng thành bột nhão đem đắp trực tiếp vào vị trí khớp bị viêm sẽ nhanh chóng làm giảm cơn đau nhức, giảm tình trạng viêm tấy đỏ.
5. Giảm béo, làm đẹp da:
Uống trà bột Tía tô: Bột Tía tô uống nóng là một liệu pháp có lợi với người cần giảm cân, giảm béo, có thể dùng 10-15g bột Tía tô hãm với 200-250ml nước sôi, để nóng vừa uống, khi uống cố gắng dùng cả xác (bã) sẽ rất hiệu quả.
Cũng có thể kết hợp uống trà bột Tía tô với Mật ong, đây là một cách kết hợp tuyệt vời để dưỡng da và tăng đề kháng cho cơ thể.
Tắm rửa toàn thân với Tía tô: Để chăm sóc da toàn thân, có thể dùng bột Tía tô làm nước tắm; cách làm: bột Tía tô 20-30g, cho vào túi lọc, chế với 1 lít nước sôi, ngâm 5 phút, nhúng vắt túi lọc để chiết lấy nước. Dùng nước này hòa chế với lượng nước đủ tắm gội, thực hiện 2-3 lần/tuần.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Chọn đất trồng và làm đất
Cây Tía tô có thể trồng với nhiều loại đất, nếu được trồng với loại đất thịt pha cát (đất phù sa) thì cây thích hợp và cho năng suất cao.
Đất phải được cuốc phơi ải sớm, đập nhỏ trộn đều với 1/3 - 1/4 phân chuồng mục, nhặt sạch cỏ và rác, lên luống, trang bằng mặt luống.
- Kỹ thuật gieo trồng
+ Thời vụ: Vụ Xuân: gieo trong tháng 2 đến đầu tháng 3. Khi cây con có 4 - 8 lá thật là có thể đem đi trồng được. Vụ Thu: gieo trồng từ tháng 6 đến tháng 8. Thời vụ này Tía tô thường ra hoa, kết quả sớm.
+ Cách gieo trồng: Trước khi gieo, ngâm hạt trong nước từ 30 - 120 phút, để ráo nước rồi trộn hạt giống với đất bột hoặc tro khô cho đều. Khi gieo hạt, cần gieo đi gieo lại 2 - 3 lần cho đều. Nếu đất gieo hạt đủ ẩm, có thể ủ để hạt nứt nhanh rồi hãy trộn với đất bộ hoặc tro khô để gieo, gieo xong rắc một lớp đất bộ mỏng, phủ rác và tưới nhẹ bằng nước cho đều. Khi cây có từ 4 - 8 lá thật có thể nhỏ đi trồng, tiếp tục chăm sóc những cây còn lại. Khi cây được 10 - 12 lá nên hái bấm ngọn để cây phát triển nhiều cành.
Cách trồng: Sau khi làm đất lên luống xong rạch hàng hoặc bổ hốc theo khoảng cách 25 x 35cm, sâu 10 - 12cm, bỏ từ 1 - 2 lạng phân chuồng mục đã trộn cho 1 hốc. Sau đó, bứng từng cây Tía tô con có cả rễ và đất đặt xuống hốc hoặc nhổ cây không bị đứt rễ đem trồng, lấp đất lại lần nữa cho phẳng mặt, tưới nhẹ chung quanh gốc.
- Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
+ Chăm sóc vườn ươm: Vườn ươm cần bảo đảm đủ ẩm liên tục, nhổ cỏ kịp thời, thường xuyên theo dõi để phòng các loại sâu hại cây con. Trước khi đem trồng từ 7 - 8 ngày cần tưới dưới gốc cây bằng nước phân hoặc nước tiểu pha loãng (chú ý sau khi tưới nước phân cần tưới lại bằng nước lã)
+ Sau khi cấy trồng: Từ 3 - 7 ngày sau khi trồng cần tưới và giữ ẩm liên tục để cây mau bén, mau ra rễ mới. Tưới nước phân pha loãng sau khi trồng được 15 - 16 ngày và sau mỗi lần thu hái.
Trong quá trình gieo trồng, phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun gốc cho cây sinh trưởng. Giai đoạn cây con có 4-5 lá thật thường bị bệnh chết rạp cây con do nấm Fusarium sp gây nên. Phòng trừ bằng cách xử lý đất bằng vôi trước khi trồng.
- Thu hoạch:
Sau khi trồng 40 ngày là có thể thu hoạch. Sau mỗi đợt thu hoạch tiến hành làm cỏ, vun gốc kết hợp với tưới nước phân như trên. Khoảng 2 đợt bón bổ sung bánh dầu, phân chuồng + phân urê.
Cây Tía tô là loại cây dễ trồng, dễ sống, chúng ta có thể trồng diện rộng để bán, hoặc trồng ở chậu, vườn rau nhỏ để phục vụ cho từng gia đình. Là một loại thực phẩm, dược liệu giúp ích, hỗ trợ cho con người có thể phòng chống một số chứng bệnh nói trên. Mong mọi người biết đến, nên trồng và luôn có để sử dụng khi cần./.
Trương Long
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Cập nhật: Hoàng Thị Thanh Hiền Điện thoại: 0905.437.666 Điện thoại: 0983.533.844 Email: htthienyte@gmail.com |
Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ GoogleTừ Bạn Bè Nguồn Khác |
Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
Địa chỉ: khu phố 3, phường Đông Lương, tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
© Copyright 2015 truongytequangtri.edu.vn, All rights reserved.
® truongytequangtri.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này.