Lượt xem: 413

CÂY CỎ XƯỚC

Theo tên gọi dược liệu, Cây Cỏ xước có tên khác là Ngưu tất nam, thường dùng trong các  trường hợp giảm đau chữa thấp khớp. Trong cây có các chất như: Protide, Glucide, Chất xơ, Acid Oleanolic, Saponin, muối Kali, Vitamin C nên người ta còn dùng cho một số trường hợp khác.

Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ củ (rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng 1-2 mm, sấy khô; hoặc phơi khô cả rễ dùng để ngâm hoặc sắc). Liều dùng: 5-10 gam/ngày.

bb1

Rễ Cây cỏ xước tươi

bb2

Rễ Cây cỏ xước được phơi khô

Mô tả cây: Cây cao khoảng 0,8-1m. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Hoa mọc thành bông (hoa tự bông) ở đầu cành hoặc kẻ lá. Có đặc điểm khác dễ nhận dạng là giữa 2 đốt của thân cây giao nhau được phình to ra như đầu gối chân trâu, vì thế được gọi là Cây Ngưu tất (đầu gối chân trâu).

bbb3

Cây Cỏ xước

Cây mọc hoang khắp nơi, nếu được trồng và chăm sóc tốt thì rễ củ sẽ dài khoảng 20-30 cm.

Tính vị: có vị chua, hơi đắng, tính bình.

Rễ cây Cỏ xước có tác dụng : Thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu; Làm lưu thông khí huyết; Bổ gan, thận, mạnh gân cốt; Làm giảm Cholesterol trong máu.

Dùng để chữa: Viêm cầu thận, viêm gan, thận, bàng quang; rối loạn kinh nguyệt; bệnh mỡ máu cao; cao huyết áp, xơ vữa động mạch; viêm đa khớp dạng thấp; bệnh quai bị; lỡ loét vùng miệng, lưỡi.

Về thời vụ: ở miền núi thường trồng vào tháng 2,3; đồng bằng thường trồng vào tháng 10, 11 (cuối thu, đầu đông).

Cây cỏ xước là cây ưa ẩm, ưa sáng, ưa đất thịt pha cát, tơi xốp. Đất phù sa, cao ráo, thoát nước rất hợp; đất có độ ẩm, nhiều mùn, có thể lên luống; bón lót phân chuồng đã hoai. Nếu trồng trên đất khô cằn, ít quan tâm chăm sóc thì cây thấp nhỏ, rễ ngắn. Vùng đất nhiều cát sạn, bạc màu, đất chua mặn không trồng được.

Ruộng trồng cỏ xước phải được cày bừa, đập đất kỹ. Cày hoặc cuốc sâu có tác dụng làm cho rễ cỏ xước dài, ăn sâu cho năng suất cao. Khi lên luống thường bón lót phân chuồng vào lưng chừng luống. Luống rộng 70-80 cm, cao 30-40 cm.

bbb4

Các luống cây Cỏ xước

Trồng bằng hạt: có thể gieo thẳng hoặc trồng bằng cách đánh cây con đi trồng (vào mùa xuân)

Gieo hạt: Trồng cỏ xước bằng cách gieo hạt. Hạt được ngâm với nước ấm vài giờ, xong trộn với cát khô và tro khô để dễ gieo. Gieo thật thưa trên mặt luống. Gieo xong đậy rơm rạ. Nếu có nhiều rơm rạ thì đậy cả mặt luống, nếu không ít nhất cũng phải đậy ở rach luống.

Chăm sóc: Gieo hạt xong, quan trọng nhất là tưới ẩm hàng ngày cho hạt mau nảy mầm. Khi hạt đã nảy mầm thì bỏ rơm rạ và tưới nhẹ để cây khỏi bết xuống đất. Khi cây có 4-5 đôi lá thì tưới thêm phân đạm pha loãng. Tuyệt đối không tưới phân chuồng tươi, sẽ không đảm bảo an toàn cho dược liệu. Nếu có cỏ thì phải xáo xới, làm cỏ, phá váng. Khi cây đã ra tán, kín luống nên nhổ tỉa bớt. Có thể tưới nước bằng cách tát nước vào ruộng, ngập luống, sau đó tháo nước rút hết khỏi ruộng.

Trường hợp trồng cây con, cây cách cây khoảng 15-20 cm.

Phòng trừ sâu bệnh: Nếu có sâu nên dùng phương pháp bắt là chính, bất đắc dĩ mới dùng thuốc trừ sâu. Nhưng lưu ý, trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày thì không dùng thuốc trừ sâu để giảm thiểu dư lượng thuốc trừ sâu trong dược liệu.

Thu hoạch và chế biến sơ bộ: Thời gian ở miền núi là cuối tháng 10 đến tháng 12, ở đồng bằng là tháng 4 đến tháng 5 năm sau. Khi cây đã xuất hiện nhiều lá vàng, ở gốc lá rụng dần, đào thử thấy rễ mập, dài 20-30 cm là có thể thu hoạch. Thường thu hoạch cây 01 năm trở lên. Nếu để cây qua năm thì vào mùa đông nên cắt bỏ thân, lá, chỉ giữ lại gốc để cây tái sinh vào mùa xuân năm sau. Nếu không thu hạt thì cần cắt bỏ khi chưa chín, không để hạt chín sẽ rụng xuống xung quanh gốc và lan ra thành cỏ dại.

Dùng thuổng, sà beng đào sâu, bẩy đất và rễ lên để rễ khỏi bị đứt. Rũ sạch đất ở rễ, đem về rửa sạch, phơi ráo nước. Cắt bỏ rễ con, xông Lưu huỳnh, ủ 1-2 đêm. Phơi trong râm hoặc nắng nhẹ. Không nên phơi ngoài nắng to, trên sân gạch vì phơi như thế sẽ làm rễ Cỏ xước khô xác. Nếu thu hoạch gặp lúc trời mưa thì treo cao, nếu mưa dài ngày thì sấy bằng lò sấy. Rễ phơi khô bó thành từng bó, mỗi bó khoảng 0,5-1kg.

Giá thành khoảng: 120.000 đồng/kg khô

Cây Cỏ xước được mọc hoang nhiều ở tỉnh Quảng Trị. Có thể khẳng định, với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, nhiều nơi trong tỉnh trồng được loại cây này, nhất là vùng đất thịt pha cát ven sông Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng; hoặc vùng đất đỏ bazan có tỷ lệ mùn cao của Đăkrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh. Hy vọng rằng, cùng với các loại cây dược liệu đã trồng như Cà Gai Leo, Chè Vằng, Nghệ, Gừng, Lạc Tiên thì cây Cỏ xước cũng sẽ được người dân quê hương có kế hoạch trồng và thu hoạch đạt sản lượng cao nhằm góp phần cung cấp nguồn dược liệu cho người sử dụng./.

TRƯƠNG LONG

 

Cập nhật: Hoàng Thị Thanh Hiền

Điện thoại: 0905.437.666

Điện thoại: 0983.533.844

Email: htthienyte@gmail.com

Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ Google
Từ Bạn Bè
Nguồn Khác

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
Địa chỉ: khu phố 3, phường Đông Lương, tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
© Copyright 2015 truongytequangtri.edu.vn, All rights reserved.
® truongytequangtri.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này.