|
Đang truy cập: 34 Trong ngày: 58 Trong tuần: 1498 Lượt truy cập: 2443231 |
CÂY RAU MÃ ĐỀ
Mã Đề có thân ngắn, mọc hoang và được trồng khắp nơi trên đất nước ta. Là một loại rau nhưng có rất nhiều công dụng chữa bệnh mà chúng ta phải quan tâm để dùng: Ho, Lợi tiểu, Gout, Đái tháo đường, Mụn nhọt, Táo bón.
Ngoài tên dược liệu là Mã Đề, nó còn có một số tên khác như: Bông Mã Đề, Cây Vó Ngựa, Xa Tiền. Đối với bộ phận dùng thì lá được gọi là Xa Tiền Thảo, hạt được gọi là Xa Tiền Tử. Và tên khoa học là Plantago major L Plantaginaceae (Họ Mã Đề). Trong lá thì có Flavonoid, Vitamin C; hạt có Chất nhầy, Acid hữu cơ.
Về hình dạng, lá có phiến lá hình thìa, cuống dài, mọc thành hình hoa thị ở gốc, mép lá nguyên hoặc khía răng cưa thưa, gân lá hình cung chạy dọc theo phiến. Hoa mọc thành bông ở kẻ lá, cuống hoa dài. Quả hình hộp, chứa nhiều hạt hình đa giác, màu nâu bóng.
Trong tự nhiên, khi cây tàn lụi, hạt giống rơi xuống đất và có thể tồn tại qua mùa đông, sau đó mới nảy mầm. Vì thế, muốn gieo trồng phải dùng hạt, có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng. Từ khi gieo hạt đến lúc cây con có 3-4 lá đem đi trồng, khoảng cách cây cách cây là 20 cm. Thường được trồng vào mùa xuân hoặc mùa thu. Sau 2 tháng có thể thu hoạch lứa đầu, về sau cứ 40-45 ngày thu 1 lứa, có thể đập lấy hạt rồi phơi khô.
Đất trồng Mã Đề tốt nhất là loại đất pha cát, đất thịt xốp nhẹ. Nó là loại cây ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng chịu hạn nhẹ, thích nghi cao với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Hầu hết khắp nơi trên các vùng đất của tỉnh Quảng Trị đều trồng được loại cây này.
Xét về tính vị và công năng thì Lá Mã Đề có vị nhạt, tính mát; Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát. Sau khi ăn hoặc uống, được vào các kinh: can, phế, thận, tiểu tràng và có tác dụng thanh nhiệt, lợi phế, tiêu thủng, thông tiểu tiện.
Qua kinh nghiệm sử dụng, cây Mã Đề có tác dụng lợi tiểu; tăng thải trừ Urê, Acid Uric, muối; giãn phế quản; kháng khuẩn, kháng viêm. Thường được dùng để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, phế nhiệt; bí tiểu tiện, phù thủng, tiểu tiện ra máu, viêm thận, viêm bàng quang; chữa bệnh Gout. Còn về Hạt dùng chữa Đái tháo đường (3-8 g/ngày), Táo bón. Với người lớn thì liều dùng trung bình được dùng là: bộ phận dùng toàn cây khoảng 15-20 g/ngày, hạt thì khoảng 10-15 g/ngày; cách dùng thường là phơi khô rồi sắc uống, có thể dùng tươi dưới dạng thực phẩm (canh rau).
Ngoài ra, dùng lá tươi giã nát đắp làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Có thể chữa bỏng bằng cách dùng cao đặc Mã Đề đắp lên vết thương băng lại, mỗi ngày thay băng 1 lần.
Một loại rau vừa là thực phẩm mà cũng là dược phẩm, có nhiều công dụng hữu ích trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho con người, chúng ta nên quan tâm nuôi trồng và sử dụng nhằm hỗ trợ trong tiến trình điều trị một số căn bệnh được nêu trên./.
Trương Long
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Cập nhật: Hoàng Thị Thanh Hiền Điện thoại: 0905.437.666 Điện thoại: 0983.533.844 Email: htthienyte@gmail.com |
Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ GoogleTừ Bạn Bè Nguồn Khác |
Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
Địa chỉ: khu phố 3, phường Đông Lương, tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
© Copyright 2015 truongytequangtri.edu.vn, All rights reserved.
® truongytequangtri.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này.